Social Media Marketing và quyền năng “viral” cực kì khủng khiếp

Social Media Marketing mới chỉ xuất hiện những năm gần đây khi mà các nền tảng Mạng Xã Hội bùng nổ theo sự phát triển của Internet. Hàng tỷ người hoạt động liên tục trên các mạng xã hội đã biến nó thành một mảnh đất vô cùng màu mỡ cho các doanh nghiệp khai thác để quảng bá sản phẩm dịch vụ của mình.

Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc khai thác tiềm năng từ Mạng Xã Hội gần như chỉ cho có. Các doanh nghiệp sử dụng các kênh Mạng Xã Hội có vẻ như để bộ công cụ Digital Marketing của mình thêm phong phú và thay vì tập trung vào quyền năng “viral” khủng khiếp của Mạng Xã Hội thì họ cứ quẳng tiền để quảng cáo trên đó cho nhanh.

Vậy thì quyền năng “viral” khủng khiếp đó là gì và các doanh nghiệp nên khai thác như thế nào hãy cùng Ecosu.net tìm hiểu.

Social Media Marketing là gì ?

Trước hết chúng ta định nghĩa về Media. Media chính là những phương tiện để phục vụ cho việc truyền thông gọi tắt là phương tiện truyền thông.

Một thông điệp để từ người này truyền đến được người kia thì phải có một phương tiện nào đó để truyền tải. Chẳng hạn một người nói một thông điệp khi qua chiếc loa sẽ được khuếch đại cho hàng trăm người khác nghe được, khi đó thông điệp người nói đã đến tai người nghe qua phương tiện là cái loa hay gọi cho nó sang mồm là phương tiện truyền thanh (phát thanh).

Báo chí cũng là một phương tiện truyền thông khi mà nó dùng để truyền tải thông điệp dưới dạng chữ in và hình ảnh.

Tiến bộ hơn xíu đó là thông điệp được truyền đi dưới dạng cả âm thanh và hình ảnh nữa, đó là phương tiện truyền hình.

Rồi công nghệ kĩ thuật số phát triển kéo theo đó hàng loạt phương tiện truyền thông khác (có thể gọi chung là phương tiện kĩ thuật số) như: SMS, Điện thoại, bảng điện tử, Email, Website, báo chí trực tuyến, công nghệ thực tế ảo…và đặc biệt đó chính là Social Media – Truyền thông qua Mạng xã hội.

Như vậy, Social Media Marketing hay Social Marketing chính là một hình thức Marketing thông qua phương tiện là Mạng Xã Hội. Social Media là một phần của bộ công cụ Marketing Online mà nếu biết khai thác sức mạnh của nó thì giá trị nó mang lại là khổng lồ nhất là về mặt thượng hiệu.

 

Quyền năng Viral khủng khiếp của Social Media Marketing

Như đã nói internet phát triển (dựa trên công nghệ kĩ thuật số) đã làm bùng nổ một kênh truyền thông đồ sộ với sức mạnh khủng khiếp ở thời điểm hiện tại đó chính là Social Media – Mạng Xã Hội. Không phải ngẫu nhiên mà Netizen (Công dân mạng) được liệt vào hàng ngũ những cộng đồng mà hoạt động Marketing phải đặc biệt chú ý đến.

Trước kia khi internet chưa ra đời, con người tương tác trao đổi thông tin với nhau bằng cách trực tiếp gặp nhau. Lúc này một “người nói” thì chỉ được một hoặc một vài “người nghe”. (Ở đây “người nói” là người phát thông điệp có thể là chữ, âm thanh, hình ảnh… còn “người nghe” là người nhận thông điệp).

Đến khi báo chí, truyền thanh, truyền hình phát triển, giới hạn địa lý đã được gỡ bỏ và một “người nói” có thể đến hàng nghìn, hàng triệu “người nghe”. Tuy nhiên, ở đây thông tin chỉ có một chiều từ “người nói” đến “người nghe” nên hoàn toàn không có sự tương tác qua lại với nhau.

Nhưng rồi Social Media xuất hiện. Đây là nơi mà một “người nói” có hàng nghìn, hàng triệu “người nghe” và họ còn có thể tương tác dễ dàng hai chiều với nhau khiến cho một khối lượng thông tin khổng lồ được truyền qua lại trong không gian Social Media.

Bởi vì họ tương tác với nhau liên tục nên khối lượng thông tin ấy không bị giới hạn mà tiếp tục phát triển, rồi lại lan truyền không biên giới.

Giống như những con virut khi mà sự tương tác gần gũi là tác nhân để thông tin được lan truyền. Nó tới người này được người này truyền cho hàng nghìn người khác, rồi người khác lại truyền cho hàng nghìn người khác nữa cứ như vậy theo cấp số nhân chẳng mấy chốc thông tin sẽ lan tỏa cực nhanh đến với hàng chục triệu người và một thông tin được lan truyền như vậy đã đạt được hiệu ứng “viral” – tức là lan nhanh như virut.

Và ở đây, những người làm truyền thông nghĩ gì nếu ta có thể tạo một thông điệp nào đó đạt được hiệu ứng “viral” thì có phải thương hiệu của chúng ta sẽ được lan truyền miễn phí tới hàng chục triệu khách hàng trong nháy mắt không ?  Đó quả thật là một quyền năng khủng khiếp mà doanh nghiệp có thể tận dụng để tạo nên bệ phóng cho sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp mình.

Chiến dịch Viral đình đám của Điện Máy Xanh

Nhược điểm của Social Media Marketing khi nó đạt hiệu ứng viral

Nhưng hiệu ứng Viral cũng là một con dao hai lưỡi khi mà nó có thể đưa thương hiệu của bạn lên đỉnh hoặc là…phá hủy nó trong tích tắt.

Một nhược điểm chí mạng khi sử dụng Social Media đó chính là Chúng ta không có khả năng kiểm soát thông điệp.

Hãy xem lại cái cách mà thông tin được truyền đi qua Social Media, từ người này đến người khác tức là thông tin qua người này, người này lại diễn giải nó theo một cách nào đó đến với người khác. Mà mỗi người lại có góc nhìn riêng với thông điệp được đưa ra, chính điều này có thể khiến cho thông điệp bị méo mó khi qua nhiều lớp người truyền dẫn khác nhau, người ta hay gọi là “tam sao thất bản”.

Một thông điệp tốt nếu được viral tròn trịa đến với hàng triệu khách hàng quả thật rất tuyệt vời. Nhưng nếu nó bị bóp méo bởi sự vô tình hay cố ý, trở thành một thông tin tiêu cực…và nó cũng đến với hàng triệu khách hàng thì quà thật cực kì tồi tệ.

Lúc này khủng hoảng truyền thông sẽ xảy ra, những thông tin bị bóp méo kia xấu xa y hệt như những con virut thật sự. Nhẹ thì mất một vài nghìn tỉ (với doanh nghiệp lớn) còn nặng thì nó xóa sổ cả doanh nghiệp bạn.

Nếu so với quảng cáo thì quảng cáo an toàn hơn nhiều bởi thông điệp được truyền tròn trịa qua các kênh quảng cáo để tới với khách hàng chứ không bị “tam sao thất bản”. Tất nhiên là một vài yếu tố gây nhiễu cũng khiến thông điệp bị ảnh hưởng nhưng nó không nhiều.

Tuy nhiên, quảng cáo thì bạn biết rồi đấy cực kì tốn tiền và cũng bởi thông tin một chiều nên khách hàng cũng ít nhớ được lâu do không được tương tác, tham gia vào thông điệp. Và trong thời đại ngày nay khi mà có Social Media song hành thì quảng cáo cũng phải cẩn thận bởi nếu nó có vấn đề thì sẽ được cộng đồng mạng đẩy qua Social Media để “săn sóc”.

Sử dụng Social Media Marketing như thế nào ?

Cơ chế Viral của Social Media

Một nội dung có được Viral hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố quan trọng nhất đó là nó phải hay…nhưng không phải bạn nghĩ hay mà là thuật toán kênh Social đó – chẳng hạn Facebook nghĩ nội dung đó là hay.

Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta đang ở trong một quốc gia của người khác – lấy ví dụ của Facebook đi vì nếu tính lượng người dùng thì nó là quốc gia đông dân nhất thế giới hiện nay. Vì vậy, mọi hoạt động của chúng ta đều chịu sự quản lý của chính quyền quốc gia ấy.

Một thông tin chúng ta đăng trên mạng đều được thuật toán của Facebook kiểm duyệt trước khi nó được phân phối tới người khác. Khi bạn đăng một post nào đó, Facebook nó sẽ kiểm duyệt xem có vi phạm chính sách không nếu có thì nó sẽ “xử lý” bài của bạn ngay, nếu không nó bắt đầu cho tiếp cận.

Thuật toán của Facebook sẽ scan để cố gắng hiểu nội dung của bạn, sau đó nó sẽ cho tiếp cận những người mà nó nghĩ là thích nội dung này của bạn (dựa vào thông tin nó thu thập được từ những người này). Nó sẽ ưu tiên trong số những người follow bạn trước sau đó sẽ reach thêm một ít nữa bên ngoài.

Cuối cùng, dựa vào kết quả tương tác của những người đã xem post của bạn, nó sẽ chấm điểm nội dung của bạn hay dở thế nào và cũng sẽ mở lượt tiếp cận rộng hay hẹp dựa vào số điểm ấy. Nội dung càng hay nó sẽ cho tiếp cận càng nhiều người và từ đó dễ có cơ hội viral.

Do vậy dù nội dung của bạn ai cũng thấy hay nhưng Facebook nó lại cảm thấy dở thì nó sẽ chặn lượt tiếp cận. Thay vì nội dung bạn đăng có thể tiếp cận hàng nghìn người thì bây giờ nó chỉ cho tiếp cận một vài người ít ỏi, rồi một vài người đó đăng nó lại chặn tiếp thì gần như nội dung của bạn không có khả năng lan truyền. Nó cũng giống như một đoạn phim hay nhưng chẳng có ai xem vì bị cấm chiếu, mà không có người xem thì đâu ai biết nó hay.

Doanh nghiệp phải làm thế nào với Social Media Marketing

Đầu tiên, khi sáng tạo nội dung phải tuân thủ tuyệt đối chính sách các Social Media đề ra, nếu không thì khi thông điệp của bạn chỉ vừa mới thở ra thôi nó đã bị mute và thậm chí bị xóa ngay lập tức. Cái này bạn thử đăng một đoạn phim bất kì có nhạc bản quyền là biết ?

Thứ 2, hãy sáng tạo nhất có thể vì bất kì Social Media nào cũng muốn nội dung mới lạ để thu hút người dùng. Nội dung mới lạ sẽ được Social Media bật cơ chế tiếp cận ra ngoài những người follow kênh của bạn, lúc ấy thì thông điệp của bạn mới có khả năng viral. Và nội dung mới lạ, sáng tạo cũng giúp bạn gây ấn tượng với người dùng hơn, họ sẽ nhớ về bạn lâu hơn.

Thứ 3, tạo nhiều nội dung nhất có thể bởi xác suất được viral là rất thấp nhưng chỉ cần một nội dung viral xuyên biên giới thì…lên nóc ngồi ngay. Hơn nữa, nhiều nội dung được tạo ra nếu không được viral thì nó cũng giúp bạn tiếp cận được những tệp khách hàng khác nhau mà nếu cộng lại cũng được kha khá người tiếp cận.

Thứ 4, kết hợp Social Media với các kênh truyền thông khác như báo chí, quảng cáo để tạo hiệu ứng mạnh mẽ, tổng lực. Điều này để thông điệp được tiếp cận “mass” (độ phủ rộng) nhất có thể, đảm bảo người ta đi đâu cũng thấy thông điệp mình gửi gắm.

Thứ 5, chuẩn bị thật kĩ các kịch bản để tránh trường hợp rơi vào khủng hoảng truyền thông. Mặc dù rất khó để biết được góc nhìn của cộng đồng về thông điệp của mình như thế nào nhưng việc chuẩn bị sẵn các tình huống không bao giờ thừa. Tốt nhất nên thử nghiệm ở một nhóm nhỏ với những người tham gia có những background khác nhau để xem họ đánh giá về thông điệp như thế nào.

Thứ 6, trên đời này cái gì nhanh thì sẽ không được lâu. Một nội dung tuy viral khủng khiếp nhưng chỉ một vài ngày là nó phải nhường cho một nội dung hấp dẫn khác. Do vậy doanh nghiệp phải tận dụng khoảng thời gian vàng được lên sóng này để nói về mình, có thể tạo tiếp nội dung để kéo dài quãng thời gian lên sóng tránh bị tụt quá nhanh và sau thời điểm được viral phải có những hoạt động duy trì thương hiệu.

Trên đây cũng chỉ là một vài điều cơ bản mà doanh nghiệp cần lưu ý để có thể tận dụng được quyền năng “viral” của Social Media, vẫn còn những điều khác nữa mà khi vào làm thực tế mới biết được tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp và cũng tùy vào thời điểm đó Social Media phát triển đến đâu.

Zalo