Phân biệt 2 mô hình CPC và CPM kinh điển trong quảng cáo Google và Facebook ?

Chúng ta thường nghĩ rằng Quảng cáo Google và Facebook chỉ khác nhau ở chỗ đó là nó quảng cáo trên 2 nền tảng khác nhau. Đúng là 2 nền tảng khác nhau nhưng mô hình quảng cáo của 2 ông này cũng hoàn toàn khác nhau chứ không phải chỉ khác nhau về mặt nền tảng.

Sự khác nhau về mô hình quảng cáo mang đến những khác biệt rõ ràng trong mục tiêu quảng cáo và tùy vào chiến lược của doanh nghiệp mà ta nên chọn Facebook hay Google hoặc là kết hợp cả 2.

Dưới đây, ta cùng Ecosu.net phân biệt 2 mô hình quảng cáo CPC của Google và CPM của Facebook.

 

Mô hình quảng cáo CPC là gì và CPM là gì ?

Mô hình CPC là gì ?

Mô hình CPC (Cost per click) là mô hình quảng cáo tính tiền dựa trên lượt click (lượt nhấp chuột). Khi một mẫu quảng cáo  hiển thị đến khách hàng, lúc này bạn vẫn chưa bị tính tiền, chỉ khi nào khách click vào mẫu quảng cáo để về landing page thì bạn mới phải mất tiền.

Mô hình CPC là mô hình kinh điển của Google và gần như Google là “duy ngã độc tôn” ở mô hình này. Có Cốc Cốc và Zalo nữa nhưng Cốc Cốc cũng được phát triển từ mã nguồn mở của Google có thể xem là đại lý Google tại Việt Nam còn Zalo thì thị phần quá nhỏ không đáng kể.

Mô hình CPM là gì ?

Mô hình CPM (cost per 1000 impressions) là mô hình quảng cáo tính tiền dựa trên số lượt hiển thị. Khác với CPC phải đợi khách click vào mẫu quảng cáo mới tính tiền thì ở mô hình CPM chỉ cần mẫu quảng cáo hiển thị là bạn đã mất tiền.

Mô hình CPM là mô hình kinh điển của các nền tảng mạng xã hội mà tiêu biểu nhất là Facebook. Google cũng có dạng quảng cáo hiển thị nhưng nó lại theo mô hình CPC tức chỉ khi click vào mới tính tiền.

 

Ưu nhược điểm của hai mô hình CPC và CPM – mô hình nào lợi thế hơn ?

Mỗi một mô hình đều có ưu nhược điểm của nó nên mô hình nào lợi thế hơn thì phải xét trong một hoàn cảnh nhất định và tùy thuộc vào mục tiêu của doanh nghiệp tại thời điểm đó.

Mô hình CPC

Ưu điểm:

– Là mô hình có hiệu quả mới trả tiền, bởi khách thích và nhấp vào thì mới tính tiền mà.

– Là mô hình thu thập tệp khách hàng có nhu cầu với chi phí ít nhất. Bởi những khách không có nhu cầu thì họ sẽ không click vào mẫu quảng cáo và bạn không phải mất tiền.

– Hiệu quả nhanh bởi đây là mô hình hướng trực tiếp vào những người có nhu cầu sẵn có. Bởi vì có nhu cầu sẵn nên họ dễ mua hàng hơn, tỉ lệ chuyển đổi mua hàng cao hơn.

Nhược điểm:

– Dễ bị click tặc. Bởi vì mô hình này phải click vào mới tính tiền nên đối thủ có thể chơi xấu, ngày nào cũng cử đội ngũ nhân viên click vào mẫu quảng cáo của bạn.

Ngoài ra, những người chơi Google Adsense cũng sẽ tìm mọi cách, kể cả dùng tool để click vào banner quảng cáo của bạn bởi càng nhiều lượt click thì tiền họ kiếm được càng nhiều.

– Phải có landing page mới chạy được dạng này và phải đầu tư cho nó thật kĩ càng về nội dung thì mới mong hiệu quả chuyển đổi.

– Số lượt tiếp cận ít hơn so với CPM. Vì mô hình này tập trung vào đối tượng có nhu cầu sẵn mà đối tượng này đâu có nhiều nên rõ ràng nó tiếp cận ít người hơn. Mô hình CPC có thể gọi là “ít mà chất”.

– Khó tăng trưởng doanh thu lên nhiều lần bởi mô hình này chỉ quanh quẩn những người có nhu cầu sẵn, còn những người chưa có nhu cầu nhưng có thể sắp tới họ có nhu cầu thì mô hình này lại ít tập trung nên khó tạo sự đột phá về doanh thu.

Mô hình CPM

Ưu điểm:

– Là mô hình tuyệt vời để lan tỏa thương hiệu bởi nó cho phép tiếp cận rất nhiều người với chi phí rẻ.

– Là một cách tiêu tiền chắc cú bởi không sợ click tặc. Vì cứ hiển thị là nó đã tính tiền rồi nên click hay không thì cũng nhiêu đó tiền, click càng nhiều lại càng tốt.

– Dễ scale up tạo tăng trưởng đột phá về doanh thu bởi mô hình này tiếp cận rất nhiều người chứ không phải chỉ tiếp cận những người có nhu cầu sẵn, do vậy ta có thể thuyết phục những người chưa có nhu cầu trở thành có nhu cầu và sau đó thuyết phục họ mua hàng.

Nhược điểm

– Mô hình này cần thời gian mới có thể tạo sự chuyển đổi về doanh thu chứ không thể đạt doanh thu trong thời gian ngắn được bởi nó không tập trung cho những người có nhu cầu sẵn như CPC, tuy nhiên khi có đủ thời gian để nó tích lũy thì lại tạo sự chuyển đổi doanh thu chóng mặt.

– Đòi hỏi phải chi tiêu một khoảng ngân sách tương đối lớn để đạt đến ngưỡng chuyển đổi. Bởi vì đối tượng của mô hình này chưa có nhu cầu sẵn nên mẫu quảng cáo phải tiếp cận đi tiếp cận lại nhiều lần mới tạo được sự chuyển đổi mà để duy trì sự tiếp cận đó thì phải duy trì ngân sách thường xuyên cho tới khi đạt ngưỡng chuyển đổi.

Nếu tiêu chưa đủ khoảng ngân sách này mà dừng lại thì sẽ không mang lại bất cứ hiệu quả nào xem như ném tiền qua cửa sổ.

 

Khi nào nên sử dụng mô hình quảng cáo CPC và CPM ?

Hai mô hình này đều có những ưu nhược điểm riêng của nó tùy theo tình hình doanh nghiệp và mục tiêu của bạn mà đưa ra quyết định phù hợp.

– Khi doanh nghiệp cần doanh số ngay để duy trì dòng tiền nuôi doanh nghiệp hoặc để xả tồn thì dùng mô hình CPC của Google.

– Khi doanh số tương đối ổn định nhưng lại bị chững lại không tăng được thì nên dùng CPM của Facebook và các mạng Xã Hội để có thể mở rộng doanh số.

– Khi có một sản phẩm đang là hot trend thì dùng mô hình CPM để có thể tạo bùng nổ doanh số vì lúc này phần lớn mọi người đều có nhu cầu sẵn nên dùng CMP với phổ tiếp cận rộng sẽ dễ vét máng được doanh thu.

Xem thêm:

Zalo